Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Kinh nghiệm chi tiêu tiết kiệm khi ở Nhật

Chi phí sinh hoạt ở Nhật khác nhau tùy từng vùng. Tokyo nổi tiếng là nơi có cuộc sống đắt đỏ nhất. Tuy nhiên, nếu bạn ở Tokyo cũng có những “mẹo” chi tiêu tiết kiệm sau đây dành cho bạn để có thể đương đầu, làm việc và học tập với ngân sách hạn chế của mình.

 

 

I. Về ăn uống

Bạn cần phải ăn để tồn tại nên tiền thức ăn là một khoản mà bạn chắc chắn phải chi, nhưng vẫn có những cách để giảm khoản chi này.
1. Hãy nấu ăn:
Nghe có vẻ khá rõ ràng, nhưng vẫn có nhiều điều cần giải thích ở đây. Biết được nơi mà bạn có thể mua nguyên liệu để nấu ăn có thể giúp cắt giảm tới khoảng 1/3 khoản tiền mà đáng nhẽ ra bạn phải chi cho việc ăn uống. Một nam du học sinh Mỹ tiêu chưa tới 10,000 yên mỗi tháng cho việc nấu cơm ngày 3 bữa. 3 bữa một ngày có quá nhiều không? Hãy nấu hai phần cơm cho bữa tối và để lại một nửa vào lò vi sóng để ăn cho bữa trưa ngày hôm sau. Cách làm này có thể giúp bạn vừa tiết kiệm tiền đồ ăn vừa tiết kiệm các khoản chi khác như điện, nước, ga…
Hoặc giả nếu bạn lười nấu cả bữa ăn, thậm chí nếu bạn chỉ nấu cơm và mang theo cho bữa trưa (hầu hết các bạn sinh viên đều có thể làm thế này) cũng có thể tiết kiệm tiền về lâu dài.
2. Hãy mua đồ một cách thông minh:
– Hầu hết các siêu thị bắt đầu đưa ra những hình thức giảm giá cho các đồ ăn nấu sẵn gần trước giờ đóng cửa. Nhìn chung, khoảng 2-3 tiếng trước giờ đóng cửa, các nhãn giảm giá 10% sẽ bắt đầu được đem dán. Từ lúc đó tới giờ đóng cửa, các mặt hàng sẽ dần được hạ giá tới mức 50%. Do vậy, bạn có thể mua 1 bữa ăn sẵn với một mức giá cực kỳ hợp lý nếu bạn tới siêu thị muộn vào lúc gần 9h.
– Mua những đồ ăn nhập khẩu (輸入食品 – yuunyuu shokuhin), như là thịt từ Mỹ hay Úc, hay các đồ đông lạnh từ Trung Quốc, chuối từ Philipin… Đừng bao giờ mua những sản phẩm quốc nội của Nhật (国産 – kokusan) vì trên thực tế những sản phẩm của Nhật có xu hướng đắt hơn.
– Hãy mua dâu tây hơi bị dập để giảm chi phí. Dâu tây hơi bị dập và nhũn tuy nhìn có vẻ không ngon và chín quá, nhưng vị của chúng thì vẫn khá tuyệt. Và tất nhiên chúng rẻ hơn nhiều, ví như ở Kyoto chỉ có 198 yên/vỉ, và có thể tìm thấy ở bất cứ siêu thị nào.Nghe có vẻ hợp lý, như vậy tốt hơn là bị đội giá không cần thiết chỉ vì những hộp dâu tây trông đẹp hơn.
– Nếu bạn thích trà, hãy bỏ qua những bình trà lớn bán ngoài siêu thị, kể cả loại bình to 2 lít. Thay vào đó hãy mua những gói trà chưa pha (và mua thêm nước uống đóng chai trên mạng nếu bạn không thích sử dụng nước máy để pha trà).
– Tự pha trà thực sự là rẻ hơn rất nhiều so với việc mua trà đóng chai. Và nước uống đóng chai mua trên mạng thực sự rẻ hơn so với mua ngoài cửa hàng.
– Ở các cửa hàng McDonald’s, hãy dùng điện thoại di động để kiểm tra các loại phiếu giảm giá (coupons) trước khi mua bất kỳ đồ gì. Và mua khoảng 2-3 cái burger 100 yên cùng với một nước uống cỡ nhỏ (S size) giá 100 yên đủ để làm bạn no tương đương với mua 1 phần set đồ ăn lớn đắt đỏ trong cửa hàng của McDonald’s.
– Nếu bạn tham gia theo dõi LINE hoặc đăng kí nhận mail từ các cửa hàng như McDonald’s, Sukiya… bạn và những thành viên khác thường sẽ nhận được thông tin cho các hình thức giảm giá (như là coupons) thông qua các tiện ích này.
– Nếu bạn ăn bên ngoài, hãy cân nhắc về địa điểm. Thường thì hãy chọn các nhà hàng gia đình (ファミレス) như là Gasto nếu bạn chỉ cần nơi nào đó ấm cúng để có thể nói chuyện dài hơi với mọi người. Họ có “gian nước uống” (drink bars), là nơi bạn có thể tự lấy cho mình những thức uống nhẹ, trà hoặc cà phê trong 1 khoảng thời gian không giới hạn. Bạn cũng có thể cân nhắc tới đây nếu cần không gian để ngồi học bài.Hoặc hãy ngó quanh những cửa hàng quanh khu nhà bạn. Một vài cửa hàng có thể có những ngày đặc biệt mỗi tuần hay mỗi tháng với những giảm giá cực lớn cho vài mặt hàng nào đó. Sau đó hãy đi mua sắm theo lịch khi bạn đã nắm được thời điểm giảm giá.
– Hãy chú ý tránh các cửa hàng tiện lợi. Tại đó, bạn trả tiền cho sự thuận tiện, không phải giá trị thực của món hàng. Nếu có một cửa hàng tiện lợi, có thể ngay gần đó sẽ có một siêu thị. Hãy tìm đến siêu thị và mua hàng ở đó.
– Và hãy tránh việc quá kén chọn. Chúng ta có thể luôn phiền não rằng Nhật Bản không có những món ăn dân tộc chúng ta mà chúng ta thích – nhưng hãy nhớ rằng những đòi hỏi đó có thể ngốn của bạn cả đống tiền. Do vậy bạn cũng nên tập nấu và tập ăn những đồ ăn Nhật. Đó cũng là một lý do để bạn tới đây cơ mà, phải không?


II. Về những mua sắm khác

Thế còn những cách để chi tiêu tiết kiệm khi mua sắm những vật dụng hàng ngày khác?
1. Cửa hàng 100 yên:
Điều đầu tiên bạn cần biết khi tới Nhật là cửa hàng 100 yên gần nhất nằm ở đâu rồi làm một cuộc “càn quét” trong đó tìm mua những vật dụng bạn cần cho cuộc sống hàng ngày. Daiso và Seria là hai chuỗi cửa hàng chính theo kiểu này. Hãy truy cập và trang chủ của họ, tìm địa chỉ của cửa hàng gần nhất và mua sắm.
2. Thẻ tích điểm:
Thẻ tích điểm có thể giúp bạn tiết kiệm tiền về lâu dài, nhưng có quá nhiều thẻ sẽ làm chật cứng ví của bạn.
Thường thì thẻ tích điểm của những cửa hàng bán thuốc và mỹ phẩm không hữu dụng lắm, vì bạn thường phải tích đủ điểm ví dụ như 1 điểm cho 100 yên tiền mua hàng, rồi bạn sẽ nhận lại được 500 yên khi tích đủ 500 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải mua 50,000 yên tiền hàng để tiết kiệm được 500 yên. Theo quan điểm cá nhân tôi thấy việc này không mang lại nhiều ích lợi lắm.
Thay vào đó, hãy cân nhắc việc làm thẻ tích điểm cho các cửa hàng điện tử điện lạnh lớn như Yamada Denki hay Yodobashi Camera. Bạn có thể sẽ phải thường xuyên ghé các cửa hàng này để mua mực in hay là các trang thiết bị phụ tùng nếu bạn không mua hàng qua mạng. Họ sẽ hoàn lại 10% số tiền mua hàng của bạn nên về lâu về dài khá là hữu ích.
3. Luôn cân nhắc việc mua đồ đã qua sử dụng:
Luôn kiểm tra những cửa hàng đồ cũ (リセイクルショップ ) như là 2nd Steet, nơi luôn có bán các loại mặt hàng khác nhau đã qua sử dụng. Recycl-navi cũng là một trang khác liệt kê ra những cửa hàng đồ cũ ở mỗi tỉnh thành khác nhau.
Đối với áo quần, ví dụ như Shimokitazawa (Tokyo) có rất nhiều những cửa hàng bán quần áo cũ. Hãy tìm kiếm những khu chuyên bán quần áo đã sử dụng nếu bạn muốn tiết kiệm tiền. 
Bạn cũng có thể săn đồ cũ tại các cửa hàng Bookoff Super Bazaar hoặc các chợ trời tại Nhật.
4. “Săn” những món đồ lưu niệm “độc”:
Bạn muốn mua vài món quà nhỏ cho chuyến về thăm nhà? ドンキホーテ(Donkihote – Don Quijote) là một nơi thích hợp. Nếu bạn bước vào một cửa hàng bán toàn những đồ như thế này, thì không thể nhầm được, đó chính là Don Quijote.


III. Về giao thông, đi lại

Chi phí cho việc di chuyển có thể ngốn một khoản kha khá. Tàu điện ngầm, xe buýt, taxi…tất cả đều tốn kém, thế nên có lẽ bạn muốn tham khảo vài mẹo dưới đây:
1. Xe đạp:
Nếu bạn lưu lại Nhật lâu hơn 6 tháng, phương tiện di chuyển này sẽ giúp bạn tiết kiệm khối tiền trừ khi nơi bạn ở cực kì gần với 1 ga tàu thuận tiện. Còn không thì…
– Xe buýt tốn khoảng 200 yên/chuyến. Một phép tính khá đơn giản, nếu có thể bạn nên đạp xe tới bến tàu gần nhất.
– Sở hữu một chiếc xe đạp đồng nghĩa với khu vực bạn có thể lui tới mua sắm sẽ rộng hơn, và như vậy bạn hoàn toàn có thể nua sắm những món hàng rẻ hơn.
– Những kẻ trộm hay phá xe đạp không phổ biến ở Nhật Bản, thế nên bạn sẽ không phải trả thêm những khoản phụ phí ngoài tiền mua xe. 
2. 回数券 (Kaisuuken):
Nếu bạn có một lộ trình mà bạn thường xuyên phải đi mà thẻ đi tàu/thẻ sinh viên của bạn không bao gồm tuyến đường đó, bạn có thể tham khảo làm vài cái 回数券 (kaisuuken). Hệ thống quản lý tuy khác nhau tùy thuộc vào các công ty khai thác, nhưng một vài công ty (như JR East hay Hankyuu) có thể có vài chế độ đặc biệt ví dụ như mua 11 vé trả tiền 10 vé, hoặc một vài công ty khác có thể bán vé đi lại ngoài giờ cao điểm với những mức hạ giá thấp hơn nữa.
Kaisuuken có hạn trong vòng 3 tháng, nên hãy chỉ mua cho những lộ trình mà bạn đi thường xuyên với những tính toán thích hợp. Và nó cũng không được thuận lợi nếu so sánh với thẻ IC vì bạn sẽ phải giữ một xấp vé trong ví nếu bạn mua kaisuuken.
3. Những loại vé đặc biệt (ví dụ như Seishun):
Những khách du lich tới Nhật có thể biết nhiều tới thẻ đi tàu JR Pass cho phép họ thoải mái sử dụng các chuyến tàu JR hay Shinkansen trong một thời gian cố định (thường là 2 tuần). Đáng tiếc là ưu đãi này chỉ áp dụng cho visa du lịch. Nhưng kể cả khi bạn cư trú lâu dài tại Nhật, có vài phương án khác bạn có thể tham khảo để sử dụng:
– Vé đi tàu không giới hạn cho một khu vực nhất định. Ví dụ như những người ở tại Kyoto sẽ có thể dùng loại vé 500 yên để tự do di chuyển trong ngày bằng xe buýt nội thành. JR East thì đưa ra loại thẻ thoải mái đi lại trong 23 quận của Tokyo trong ngày chỉ với 730 yên. Những loại vé này có thể sẽ rất hữu ích nếu bạn phải ghé tới nhiều địa điểm trong 1 ngày.
– Vé Seishun 18 – cực kỳ có lợi nếu bạn muốn ngắm cảnh ở các vùng ngoại ô hoặc lang thang lúc nhàn rỗi.
4. Xe buýt cũng là một lựa chọn không tồi:
Đặc biệt là khi bạn cần di chuyển quãng đường xa. Ví dụ, chuyến bus rẻ tiền nhất để đi lại giữa Osaka và Tokyo là khoảng 3500 yên cho một chiều; còn nếu dùng JR (trừ vé Seishun 18) sẽ tốn hơn 8000 yên và 9 tiếng đồng hồ nếu bạn chỉ chạy tàu địa phương (local train). Thêm nữa là, khi đi xe buýt bạn sẽ luôn có chỗ ngồi.
Hãng Willer Express là một lựa chọn khá ổn nếu bạn không tự tin vào khả năng tiếng Nhật của mình, còn nếu không, trong mục Travel của Rakuten cũng có vô số những công ty vận tải khác mà bạn có thể tìm kiếm.
5. Sử dụng đường hàng không nếu quãng đường di chuyển quá dài:
Đó là bởi khi phải di chuyển quãng đường quá xa thì
– Số lượng các tuyến xe buýt để chọn lựa sẽ giảm đi. Hơn nữa, ngồi xe buýt liên tục trong 14 tiếng sẽ khiến hành khác cực kỳ mệt mỏi.
– Phí di chuyển bằng tàu sẽ tăng chóng mặt và cũng tốn rất nhiều thời gian.
Nếu quãng đường ngắn thì phương án đi máy bay sẽ bị loại trừ vì các sân bay không thể có nhiều như những bến xe buýt, lại còn đắt đỏ hơn (và thời gian cũng lâu hơn do phải chờ đợi, …)
Các hãng hàng không giá rẻ đáng tin cậy là Peach và Jet Star.
Và hãy tránh sử dụng Shinkansen. Đúng là phương thức này giúp giảm thời gian di chuyển giữa Tokyo và Osaka xuống còn 2 tiếng rưỡi, nhưng nội dung của bài này nhằm vào mục đích để giảm thiểu chi phí cho cuộc sống ở Nhật chứ không phải để lướt nhanh trên đất nước này. Thêm vào đó, một vé xe buýt với một không gian thoải mái chỉ có 2 ghế/hàng chỉ tốn khoảng 10,000 yên cho hành trình Tokyo-Kansai, rẻ hơn rất nhiều nếu bạn đi bằng Shinkansen.


IV. Thuê nhà, ở trọ

1. Thuê nhà:
Việc thuê nhà là thiết yếu, nhưng cũng có vài cách để giảm thiểu chi phí cho khoản này:
– Hãy tìm những căn hộ cho thuê mà không bắt trả shikikin (敷金 – một dạng giống như tiền đặt cọc) và reikin (礼金 – khoản tiền mà bạn phải trả thay cho lời cám ơn, nghe tuy hoang đường nhưng nó thực sự tồn tại đó). Và cũng nên hỏi chắc chắn rằng những khoản shikikin và reikin sẽ không bị cộng dồn vào cùng với tiền thuê hàng tháng của bạn.
– Người Nhật thường rất chú trọng về việc có một cái bồn tắm (ofuro), nên nếu bạn tìm được một căn hộ chỉ dùng vòi sen thì giá thuê có lẽ sẽ rẻ hơn.
2. Nhà trọ tạm thời:
Nếu bạn thấy bản thân cần tìm một nơi chốn để tạm lưu lại (giả dụ như bạn đi du lịch đâu đó trong Nhật Bản chẳng hạn), có thể bạn sẽ muốn cân nhắc vài lựa chọn dưới đây:
– Phòng trọ “con nhộng” (Capsule Hotel): Có thể tìm thấy ở các thành phố chính. Loại phòng trọ này rẻ nhưng tôi chân thành khuyên các bạn (theo kinh nghiệm bản thân) rằng bạn nên mua vài cái nút tai giá 100 yên phòng khi những tiếng động xung quanh làm phiền bạn.
– Nhà nghỉ bình dân:
Giá cả cũng phải chăng nhưng vẫn bị ồn ào.


V. Các tiện nghi khác

Nói chung là bạn không thể làm gì để chi tiêu tiết kiệm cho mùa hè, trừ khi bạn có thể dùng quạt thay vì điều hòa nhiệt độ thì bạn cũng có thể tiết kiệm được kha khá tiền. Tuy nhiên, vào mùa đông có nhiều cách để giữ ấm ngoài cách sử dụng lò các thiết bị sưởi.
Hãy cùng xem những sáng kiến của các du học sinh:
– “Giá điện rẻ hơn trong khoảng từ 11h tối tới 7h sáng, thế nên hãy sạc máy tính, giặt quần áo và sử dụng các thiết bị cần điện tối đa trong khoảng này.”
– Hãy mua loại chăn có thể khoác lên người (có thể tìm thấy ở Donkihote). Nó rất mềm, êm, và hoàn toàn thay thế được việc sử dụng các thiết bị sưởi ngoài.
– Kết hợp chăn ở trên với loại dép 100 yên đi trong nhà để đỡ lạnh chân.
– “Hãy phơi quần áo ướt ở trong phòng và bạn có thể tiết kiệm những khoản chi cho máy tạo ẩm.” (Cách này cũng giúp tiết kiệm khoản chi cho máy sấy. Bạn có thể tự chăng dây phơi ở trong phòng hoặc mua giá treo quần áo trong nhà của Nitori).


VI. Vui chơi giải trí

Trừ khi bạn thích thú với việc ru rú trong kí túc xá ngồi chơi điện tử hoặc hài lòng với việc tiêu khiển qua Internet, bạn không thể tránh khỏi tiêu tiền vào những hoạt động giải trí bên ngoài. Đây là vài cách bạn có thể làm để chi tiêu tiết kiệm, triệt để các chi phí:
1. Những khuyến mại của hàng Karaoke:
Karaoke là một tinh túy văn hóa bạn nên trải nghiệm nếu bạn sống ở Nhật (và cũng là một cách tốt để xóa bỏ tính ngượng ngùng của bạn).
– Thời gian hát thoải mái (フリータイム – freetime) rất hữu ích, đặc biệt nếu bạn đang là sinh viên và không cần dậy sớm vào sáng hôm sau. Nói chung, chọn lựa gói hát thoải mái thậm chí còn tiết kiệm hơn việc bạn dành ra hơn 2-3 tiếng cho hình thức giải trí này.
– Một vài chuỗi các phòng hát karaoke có những khuyến mại vào các ngày trong tuần kiểu như “Đêm của các quý ông” (Men’s night) hay “Đêm cho các quý cô” (Ladies’ night) hay đại loại như vậy. Các khuyến mại có thể khác nhau, ví dụ như miễn phí 2 giờ hát khi bạn gọi 1 đồ uống.
– Hãy đăng kí thành viên, thường các thành viên sẽ tự động được giảm giá.
2. Các khu vui chơi:
Round 1 có mọi thiết bị chơi các thể loại trò chơi thể thao và arcade bạn có thể chơi với một mức giá sàn không đổi.
Những người ở tại Kansai cũng có thể chơi ở Beaver World với cùng mức giá mà có thêm cả karaoke và bowling.
Và hãy lưu ý về đồ uống miễn phí ở Izakaya.
Khi thưởng thức những đồ uống chứa cồn được cung cấp miễn phí, đừng quên thận trọng với những chiêu thức gian lận hay lừa lảo.
Hầu hết các khu vui chơi Izakaya đều yêu cầu bạn gọi thêm một mặt hàng thêm vào với thực đơn khai vị đã có sẵn. Do đó, những kiểu như 800 yên cho 2 giờ uống thoải mái có thể sẽ lên đến 1500 yên khi cộng thêm với món khai vị và một món ăn nữa (có lẽ khoảng 500 yên). Chưa kể tới các đồ uống thường được pha loãng khá nhiều.

 Nguồn: Sưu tầm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét